Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2012

Mục đích của Sợ hãi



    Nghĩ lại thời thơ ấu, mình phát hiện ra sợ hãi hóa ra lại là tên bạn nối khố. Còn nhớ cái hồi trẻ con, lúc mà tập đi lon ton ấy, hay tập đạp xe dưới sự kèm cặp của ông anh quý hóa, mình luôn sợ sẽ phải đo đất mất nếu anh bỏ tay ra. Lớn hơn một chút, mình đến trường, nhiều lúc mình rất muốn xung phong phát biểu bài nhưng cứ sợ nên dám.   Lớn hơn chút nữa, mình thích một cô bé xinh xắn, nhưng không dám thổ lộ do sợ bạn ấy ko thích mình. Và từ đó cho đến lúc lên đại học, thi thoảng có mấy đứa bạn rủ mình tham gia một vài hoạt động như kinh doanh, khóa học kỹ năng, mình lại sợ rằng không có thời gian, sợ chưa đến lúc làm những điều đó, mình nghĩ nên tập trung vào học cái đã.
   Nỗi sợ hãi đã gắn bó thân thiết với mình bấy lâu nay, và mình thấy nó không đem lại cho mình lợi ích cả mà toàn ngăn cản mình là sao? Mình từng đặt giả thiết “Chúng ta thường sợ khi làm một điều gì đó, vậy muốn hết sợ thì tốt nhất không làm gì cả?”. Sau một thời gian thử nghiệm, mình đã phải thốt lên “Ôi trời, nếu cứ thế này thì mình sẽ chẳng đạt được gì mất, phí thời gian quá!”. Quả là rắc rối, không làm gì thì sinh nỗi sợ chẳng đạt được gì, còn khi làm gì đó thì sẽ nảy sinh nỗi sợ là không làm được. Cái cảm giác sợ hãi mà đấng tạo hóa ban cho con người là có ý nghĩa gì vậy? Và để làm sao để chế ngự hay chuyển hóa nó để có ích cho mình?
  Quả thực mình cũng không muốn có một tên bạn cặp kè theo suốt đời chỉ để làm mình bỏ cuộc đâu. Và thật may mắn, hôm nay mình đã ngộ ra vấn đề: Sợ hãi xuất hiện khi ta cảm thấy nguy hiểm, sợ hãi khiến cho ta cảnh giác hơn. Hãy tưởng tượng sợ hãi là sứ giả, ông ta đến với mục đích đưa ra thông điệp cảnh báo có địch mai phục. Còn chúng ta là một vị tướng cùng binh đoàn đang hành quân, lựa chọn sẽ là gì là gì? Có một cách là cho lui quân, bảo toàn lực lượng. Song cách đó chưa chắc đã hay, ta có thể dựa vào thông tin vị sứ giảcung cấp, thận trọng tìm ra một phương án đột kích tối ưu, đưa địch vào bẫy và chuyển thành sang thắng thế.
    Được rồi, nếu sợ hãi là một sứ giả, thì chỉ việc đưa tin là xong thôi chứ, sao thi thoảng cứ ám ta hoài? Đó chính là do ta đã lờ qua không chịu để ý đến nó. Nói đơn giản, ta quá ngại nỗi sợ, đến nỗi không muốn tìm hiểu xem nó là gì và tìm cách quay lưng với nó. Hãy thử đặt mình vào hoàn cảnh vị sứ giả, bạn đã không ngại khó khăn cách trở để đưa tin tức cảnh báo về, ấy thế mà vị tướng quân bảo thủ, phớt lờ bạn và nhất quyết đi tiếp mà không tính toán gì cả, bạn sẽ làm gì? Tất nhiên là với tinh thần trách nhiệm cao, bạn làm sao để yên cho ông ta kia đưa quân vào chỗ chết được, cần phải tìm mọi cách để thuyết phục chứ (bởi bạn cũng phải đi cùng ông ta mà!Nỗi sợ hãi cũng vậy, nếu bạn lờ qua nó, nó sẽ lẽo đẽo theo bạn cho đến khi hoàn thành mục đích.
    Để làm rõ hơn cách thức xử lý với anh bạn này, chúng ta xét một ví dụ phổ biến là việc sợ ma, có nhiều bạn đã sợ ma rồi mà vẫn hay thuê phim ma về xem, họ tin rằng việc đó sẽ làm cho họ dũng cảm hơn chăng??? Nhưng sự thật không phải vậy, thường thì khi cảm thấy nỗi sợ đang đến, đến các đoạn phim hồi hộp chẳng hạn, họ lại tìm cách trốn tránh nó bằng việc ôm nhau la hét hoặc chùm chăn kín đầu. Suy đi tính lại, nó không giúp giải quyết vấn đề mà vô hình chung lại nhồi nhét thêm những hình ảnh kinh dị vào tiềm thức để rồi có thể lại phải hãi hùng khi lại chúng trong mơ.
    Do đó, mỗi khi cảm thấy sợ hãi, hãy chấp nhận nó. Tất cả chúng ta đều có lúc sợ hãi, các diễn giả nổi tiếng đôi khi còn run khi đứng trước đám đông cơ mà,nói trước đám đông theo thống kê cho thấy chỉ xếp hàng hai sau cái chết. Đừng trốn tránh, mà hãy hãy vui mừng khi cảm thấy sợ hãi, vì khi đó tiềm thức mách bảo chúng ta rằng phải suy nghĩ, hành động cẩn trọngSợ hãi sinh ra không phải là để ngăn cản chúng ta hành động, mà chính suy nghĩ sai lầm của chúng ta về nỗi sợ hãi khiến chúng ta dừng lại. Đón nhận sợ hãi, dùng nó làm công cụ để giúp hành động thận trọng để đạt được mục tiêu sẽ hơn là quay lại với cái vỏ bọc thường ngày êm ấm!
Bạn sợ nhất điều gì?
                                                                                                                                              ST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét