Trong khi phán đoán theo tinh thần khoa học thì hay
lắm, nhưng chúng ta thiếu hẳn bí quyết này mà lại rất giàu tật chỉ trích. Chúng
ta chẳng khác nào con rắn độc đối với tâm tưởng, lời nói, hành vi, thái độ, điệu
bộ, nét cười của bất cứ ai ta gặp trên đường đời.
Nói chuyện với
kẻ khác ta chê họ nói bậy, ít học, thiếu kinh nghiệm, nên câu chuyện không sâu
sắc. Chúng ta lấy làm sung sướng cười chê những tâm tưởng của kẻ khác mà chúng
ta được biết nhờ sách báo. Người đối thoại với chúng ta, lỡ nói sai điều gì,
nói không thông một danh từ ngoại quốc, hay nói bằng một giọng chói tai, là
chúng ta xịt xọt, rùn vai, tỏ thái độ bất mãn.
Người bên cạnh
chúng ta, làm việc chi có không thành công, chúng ta đem khuyết điểm ra bàn tán
cùng kẻ khác bằng giọng mỉa mai. Người bạn thân của chúng ta, đôi khi vì thân mật
với chúng ta, mà ra vẻ lố lăng, chúng ta gắt gỏng cảnh cáo sự khiếm nhả khiến họ
ngượng nghịu và buồn rầu.
Thiệt không kể hết những trường hợp, chúng ta nhả nọc
độc để làm lu mờ những nét hay, đẹp ở kẻ khác. Thay vì nhận chân giá trị, gạn lọc
những khuyết điểm ra để học những ưu điểm của người. Chúng ta không lo hái bông
hường mà mãi càu nhàu rằng cây hường nhiều gai.
Có khi chúng
ta giả bộ khen ngợi một hai ưu điểm nào đó, rồi chúng ta đả kích nặng nề. Đầu
óc chúng ta là thứ đầu óc kỳ lạ, tự nhiên thích chỉ trích cả những khi chúng ta
không hiểu biết gì hết.
Sống dưới bất kỳ một chế độ nào, gặp bất cứ ai,
chúng ta đều có cái để bất mãn và lúc nói ra là để bôi lọ hành vi, lời nói của
kẻ khác. Có khi, chung ta nông nổi đến đỗi, vừa chỉ trích, vừa tố cáo sự thất học,
thiếu kinh nghiệm, nghèo xã giao và kém đức tính của mình.
Có ai làm mất lòng chúng một chút, vô tình buông cho
chúng ta vài tiếng thiếu nhả nhặn, là chúng ta nghe thấy đau xót thấu tận gan
ruột. Chúng ta mỉa mai lại, than oán lại cho đã cơn hiềm thù.
Khi chúng ta gieo nọc độc nơi kẻ khác, người nghe của
chúng ta tự nhiên nghi ngờ ta, dù ta tỏ ra có thiện cảm với họ cách mấy. Họ tự
nghĩ, bây giờ, trước mặt họ, ta nói xấu kẻ khác, thì rất có thể khi vắng họ, ta
chỉ trích họ như mọi người.
Đối với người học rộng giàu lương tri, ta càng chỉ
trích thiên hạ, càng bị họ khinh rẻ, tại sao? Vì họ thấy những đầu óc chỉ
trích, là những đầu óc kém khôn ngoan. Đúng vậy, trên đời "Nhân vô thập
toàn" Không có gì tuyệt đối dưới bóng mặt trời, thì đừng mong tìm gặp những
người hoàn toàn tài đức.
Hơn nữa, những việc làm ta bất mãn, thường xảy ra do
hoàn cảnh. Nếu ta không để những cái "tùy" cái "tại" mà
nghiêm khắc kết án, thì ta chẳng tỏ ra mình quá nông quá cạn ư? Nếu ta nói rằng,
tại tánh của mình, thì càng đáng tiếc.
Khi len lõi với đời, chúng ta gặp nhiều điều ngang
trái. Biết bao lần một đầu óc rất khôn ngoan thấy vậy, muốn làm như vậy mà
không được, hay làm nghịch lý mình.
Trước ta, đã
có thiếu gì tâm hồn có chí hướng, nhiệt tâm, họ muốn cải tổ nắm quyền hành
nhưng vẫn không đạt được chí nguyện. Thấy cái gì trái mắt là chỉ trích. Người
sâu sắc, họ coi thường những bộ mỏ nói tía lia, trọng phục những người không
nói mà làm.
Chỉ trích là thuốc đầu độc những đầu óc có sáng kiến,
có chí hướng, Cho nên, nếu bè bạn chúng ta nhắm một tương lai nào đó, có những
trù tính hay, họ không bao giờ bàn tính với tạ. Ai lại đi xây dựng với người chỉ
biết phá hoại?
Quả dư luận cũng phải có một sức mạnh gì, nên Pascal
mới gọi nó là chúa tể của thế gian. Vả lại, ở đời, nếu không mua bạn được, thì
ít ra đừng mua thù thì mới gọi là khôn ngoan chớ.
Ta muốn mua lòng người để thành công, thì ta phải
tránh tật xấu động trời ấy. Khi rủi đàm luận với một người có đầu óc chỉ trích,
ta nên đối xử khôn ngoan, dè dặt. Nếu họ chỉ trích ta, ta đau xót thiệt, nhưng
nên nhịn là hay nhất.
Trích thuật nói chuyện hằng ngày
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét